Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp (DN), ngân hàng đã hỗ trợ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để người dân được tiêm chủng, góp phần đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đơn cử, Tập đoàn Vingroup trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Hệ thống Trường Vinschool của Vingroup đã phối hợp Bệnh viện Vinmec tổ chức xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho toàn bộ học sinh Vinschool từ lớp 1 đến lớp 12. Tập đoàn Novaland đóng góp 11 tỉ đồng kinh phí mua vắc xin.
Tỉnh Quảng Ninh ra nghị quyết để dành 530 tỉ đồng xin đóng góp với Chính phủ để lo vắc xin cho người dân trên toàn quốc, trong đó có các lực lượng ưu tiên. Nhiều DN, hiệp hội ngành nghề cũng đề xuất tự trả chi phí tiêm vắc xin sớm cho người lao động.
Trao đổi với Thanh Niên sáng qua (24.5), ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết hiệp hội đã nhận được sự đồng thuận kiến nghị từ khoảng 40 DN du lịch, đề xuất Chính phủ cho phép tự bỏ kinh phí để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sớm cho người lao động. Mặc dù thời gian qua ngành du lịch hứng chịu tác động lớn của dịch bệnh, khiến “sức khỏe” của các DN giảm sút trầm trọng, tuy nhiên các DN đều muốn góp sức cùng Chính phủ để đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin Covid-19.
“Không chỉ cán bộ, công nhân viên, nhiều DN còn dự tính xin được tổ chức tiêm vắc xin cho cả khách hàng. Lao động ngành du lịch là thành phần tiếp xúc trực tiếp, nhạy cảm với dịch bệnh. Tiến độ tiêm vắc xin càng được đẩy nhanh, cơ hội cho ngành du lịch hồi phục càng lớn”, ông Thọ nói.
Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng có văn bản gửi Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế về việc DN công nghiệp hỗ trợ đề xuất với Chính phủ tiêm vắc xin Covid-19. Theo VASI, hiệp hội hiện có 300 hội viên, mỗi hội viên trung bình có 200 lao động, đang cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu các ngành chế tạo tại Việt Nam và xuất khẩu. VASI đề nghị Chính phủ xếp nhóm các DN sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin sớm nhất và DN công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động của DN mình.
Trước đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên bố trí tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả tổ bay và nhân viên mặt đất. Từ ngày 13 – 20.5, khoảng 1.500 nhân viên tuyến đầu của hãng đã được tiêm chủng, nâng tổng số nhân viên được tiêm vắc xin của VNA Group lên đến gần 2.300 người.
Nhiều trường đại học cũng nhanh chóng kêu gọi tập thể giảng viên, nhân viên và sinh viên tự nguyện đóng góp kinh phí.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã nhận được gần 40 triệu liều vắc xin. Theo Bộ Y tế, để bảo đảm tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều, cho nên cần một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, việc đóng góp nguồn tiền của các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho chương trình tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19 là hành động tích cực, mang giá trị nhân văn và ý nghĩa, vừa góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, vừa tăng độ bao phủ tiêm vắc xin.